top of page

Term sheet - Đàm phán sao cho hiệu quả

Term sheet là gì? Tác dụng của term sheet?

Trong quá trình thương thảo với nhà đầu tư, term sheet là tài liệu ghi lại những điều khoản quan trọng giữa startup và nhà đầu tư. Tuy đây không phải là bản hợp đồng đầu tư chính thức với mức độ ràng buộc và tính pháp lý cao nhất, term sheet chính là văn bản khung để xây dựng các hợp đồng đó, có thể kể đến như SSA (Share Subscription Agreement) hay SHA (Shareholder Agreement).


Nếu không có term sheet, sẽ rất khó để các bên liên quan trong thương vụ đầu tư đảm bảo được phần quyền lợi và trách nhiệm của mình. Các điều khoản căn bản mà nhà đầu tư đề xuất được xác lập ngay trên term sheet, bao gồm lượng tiền đầu tư, giá trị mỗi cổ phiếu, phương thức đầu tư và các điều khoản ràng buộc giữa các bên liên quan bao gồm nhà sáng lập, đội ngũ quản lý chủ chốt của startup và nhà đầu tư.

Tại sao chúng ta ít nghe đến term sheet trong việc đầu tư chứng khoán?

Trong thời buổi hiện nay, việc một người tham gia vào thị trường chứng khoán trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với trước kia. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa việc đầu tư vào cổ phiếu của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán và các công ty tư nhân (hay startup) chính là về tính thanh khoản (liquidity).


Cổ phiếu của các công ty đã niêm yết có tính thanh khoản tương đối cao. Khi nhà đầu tư không hài lòng với các chiến lược kinh doanh hay đội ngũ lãnh đạo của công ty mà họ đang đầu tư, họ có thể dễ dàng bán các cổ phiếu mà mình sở hữu cho thị trường. Một đặc điểm nữa của các công ty niêm yết chính là việc các doanh nghiệp niêm yết phải cập nhật định kỳ về tình hình kinh doanh, cũng như cung cấp các báo cáo tài chính một các công khai minh bạch cho các nhà đầu tư.


các nhà đầu tư cổ phiếu niêm yết được hưởng tính thanh khoản cao

Ngược lại, cổ phiếu của các công ty tư nhân hay startup đa phần có tính thanh khoản rất thấp. Các nhà đầu tư chỉ có thể exit (thoái vốn) khi có các sự kiện thanh khoản, thường là các công ty này đã được mua lại, sáp nhập hoặc được niêm yết khi đã đủ lớn. Số vốn mà các nhà đầu tư rót vào cho các công ty tư nhân hay startup đều sẽ được hấp thụ bởi các hoạt động kinh doanh của các công ty này trong khoảng thời gian nhất định, và việc có lời hay không phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình kinh doanh và thị trường ở các vòng gọi vốn trong tương lai.


việc đầu tư vào các công ty tư nhân có lời hay không phụ thuộc nhiều vào khả năng của đội ngũ công ty đó

Nếu khả năng tăng trưởng và mức độ mở rộng của các công ty này không đạt như mong đợi, do yếu tố chủ quan về đội ngũ lãnh đạo và cách vận hành hay các yếu tố khách quan như tình hình kinh tế và khả năng đón nhận của thị trường, rủi ro của các khoản đầu tư này trở nên rất cao.


Chính vì vậy, các nhà đầu tư vào các công ty tư nhân rất cần term sheet để bảo vệ quyền lợi của mình, tránh trường hợp các kế hoạch đề ra ở vòng gọi vốn không diễn ra như đã tính toán. Ngược lại, phía đội ngũ sáng lập cũng cần phải dựa vào term sheet để nắm rõ về phần sở hữu của mình trong công ty. Việc để cho các nhà đầu tư nắm quá nhiều cổ phần trong công ty mình đôi khi lại là mối đe dọa đối với startup, vì trong trường hợp các nhà đầu tư nhận ra startup không còn cần đến nhà khởi nghiệp nữa, vị thế của các nhà sáng lập sẽ không còn đủ để tạo sức ảnh hưởng trong việc đưa ra quyết định.


Các điều cần lưu ý trong đàm phán term sheet


Cán cân quyền lực chênh lệch

Trong các cuộc thương thảo term sheet, cán cân về sức mạnh đàm phán sẽ nghiêng một phần về phía các nhà đầu tư. Đối với các startup, nếu không có nhiều kinh nghiệm gọi vốn trước đó, lần gặp gỡ với nhà đầu tư có thể là lần đầu tiên họ nhìn thấy term sheet cũng như các điều khoản trên đó. Nếu không trang bị kỹ lưỡng về mặt kiến thức, các nhà sáng lập rất dễ rơi vào tình huống bất lợi khi thương thảo.


Ngược lại, công việc chính của các nhà đầu tư là tìm kiếm, đánh giá các thương vụ và đầu tư, nên họ đã gặp hàng trăm term sheet trong suốt chặng đường đầu tư của họ. Một số nhà đầu tư kinh nghiệm có thể đưa các nhà sáng lập trẻ vào thế bị động, khi lồng ghép các điều khoản yêu cầu quyền lợi lớn cho phía nhà đầu tư và đặt startup vào phía bất lợi. Vì vậy, các nhà sáng lập cần hiểu rõ các điều khoản của term sheet để giữ lợi thế trong quá trình thương lượng term sheet với các nhà đầu tư.


Có rất nhiều mục trong một term sheet, dưới đây sẽ là 3 mục quan trọng đáng lưu ý:


1/- Capitalization Table (Cap Table)

Đây là một trong những thành tố quan trọng nhất của term sheet. Cap Table là một tài liệu liệt kê các loại chứng khoán khác nhau mà công ty đã phát hành, chẳng hạn như cổ phiếu thường, cổ phiếu ưu đãi và cũng như những người nắm giữ các chứng khoán đó (các cổ đông) và tỷ lệ sở hữu của họ qua các vòng gọi vốn.


Ban đầu, Cap table sẽ bao gồm số cổ phiếu và phần trăm sở hữu của các nhà sáng lập. Tuy nhiên, sau khi đi qua các vòng gọi vốn, số tiền gọi được và các nhà đầu tư sẽ được ghi vào bảng này, kèm với phần trăm sở hữu và các thay đổi về phần trăm sở hữu bị pha loãng tương ứng của các nhà sáng lập ban đầu.


Một điều thường xuyên xảy ra chính là các nhà đầu tư sẽ yêu cầu phía công ty để dành ra 1 khoản option pool trước khi nhận số tiền đầu tư. Option pool chính là khoản phần trăm cổ phần công ty dành cho các nhân sự chủ chốt và được tạo ra bằng việc phát hành cổ phiếu mới. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phần trăm sở hữu của chính nhà sáng lập, và các nhà đầu tư luôn đòi hỏi khoản này được dành ra trước khi nhận vốn để tránh ảnh hưởng đến phần sở hữu của chính mình. Các startup có thể thương lượng với các nhà đầu tư về khoản option pool này, cân chỉnh lượng tài chính cho phù hợp hoặc đàm phán chia đều phần pha loãng cho nhà đầu tư để bảo vệ quyền sở hữu của mình.


Xem thêm mẫu Cap Table với option pool chuẩn cho Series A tại đây


2/ - Quyền ưu tiên thanh khoản (Liquidity reference)

Các cổ đông nắm giữ cổ phiếu ưu đãi có khả năng được ưu tiên thanh toán trong các sự kiện thanh khoản so với cổ đông nắm giữ cổ phiếu thường. Nhà đầu tư tới sau sẽ có nhiều ưu thế hơn. Đa số các hợp đồng pháp lý cho phép nhà đầu tư đến sau được ưu tiên hơn cả. Sau đó sẽ đến nhà đầu tư của vòng trước đó và cứ như thế tiếp diễn cho đến khi tất cả quyền ưu tiên được đảm bảo. Cuối cùng là việc chia sẻ phần lợi nhuận còn lại giữa cổ đông thường và cổ đông ưu đãi. Ưu tiên thanh khoản thường được thể hiện dưới dạng bội số của khoản đầu tư của nhà đầu tư, chẳng hạn như 1x, 2x hoặc 3x.


Các nhà đầu tư biết chắc rằng dòng vốn của mình sẽ bị kẹp giữa nhiều lớp các ưu tiên thanh khoản, giá trị tiềm năng của các điều khoản giúp tăng lợi nhuận đầu tư và các biện pháp bảo vệ.



Ưu tiên thanh khoản quy định về quyền ưu tiên được chia lợi nhuận cho nhà đầu tư trong trường hợp sự kiện thanh khoản xảy ra

Ví dụ có 2 khả năng về thanh khoản cho một nhà đầu tư có và không có ưu tiên thanh khoản. Giả sử nhà đầu tư này đầu tư $1m lấy 25% cổ phần của 1 công ty với định giá post-money 4 triệu đô. Sau đó công ty này được mua lại với mức giá $2m


Khả năng #1: Không có ưu tiên thanh khoản

  • Nhà đầu tư sẽ nhận được $500 ngàn (25% của mức giá $2m) - mất đi một nửa số tiền đầu tư ban đầu.

  • Các cổ đông còn lại nhận được $1.5m


Khả năng #2: Ưu tiên thanh khoản 1x với cổ phiếu ưu đãi dự phần

  • Nhà đầu tư ưu tiên nhận $1m (từ điều khoản ưu tiên thanh khoản 1x) cộng với $250,000 (25% của phần $1m còn lại).

  • Các cổ đông thường sẽ nhận được $750,000.


Có thể thấy, khi đầu tư vào một startup phải huy động nhiều vòng vốn khác nhau, vị trí dòng vốn của mình nằm ở đâu trong các lớp này là vấn đề sống còn đối với nhà đầu tư. Hơn nữa, việc xác định rõ các điều khoản ưu tiên thanh khoản sẽ giúp hạn chế việc nhà sáng lập quyết định bán (exit) startup quá sớm để rút lại tiền và các nhà đầu tư phải chịu thiệt về phần tiền nhận về.


3/ - Voting rights

Các nhà đầu tư mạo hiểm (VC) cũng thường muốn có tiếng nói trong một số quyết định quan trọng của công ty, nhất là nếu quyết định đó có ảnh hưởng lớn đến khoản đầu tư của họ. Do đó họ thường yêu cầu có thêm quyền biểu quyết, thường được dùng để phủ quyết đối với các quyết định có khả năng gây hại cho quyền lợi của họ.


Quyền biểu quyết là quyền của cổ đông được bỏ phiếu về các vấn đề ảnh hưởng đến công ty, chẳng hạn như bầu cử giám đốc, phê duyệt việc sáp nhập và mua lại và phát hành chứng khoán mới. Quyền biểu quyết thường tỷ lệ với số lượng cổ phiếu mà một cổ đông sở hữu. Tuy nhiên, một số loại cổ phiếu có thể có nhiều hoặc ít quyền biểu quyết hơn những loại khác. Ví dụ, cổ phiếu ưu đãi có thể có ít quyền biểu quyết hơn cổ phiếu phổ thông.

quyền biểu quyết trong term sheet

Quyền biểu quyết là một công cụ quan trọng để các cổ đông yêu cầu ban quản lý công ty chịu trách nhiệm. Bằng cách bỏ phiếu cho các vấn đề quan trọng, các cổ đông có thể giúp đảm bảo rằng công ty được điều hành vì lợi ích tốt nhất của họ. Về quyền đưa người vào HĐQT công ty, đây cũng là một cách để các nhà đầu tư mạo hiểm kiểm soát một cách thường xuyên hơn đối với các hoạt động của doanh nghiệp. Bằng cách yêu cầu có một ghế trong HĐQT, nhà đầu tư hoàn toàn có quyền đề xuất hoặc bác bỏ một số quyết định quan trọng. Một minh chứng cho tầm quan trọng của quyền biểu quyết trong hội đồng quản trị chính là câu chuyện Steve Job - Founder của Apple bị đuổi khỏi chính công ty của mình bởi hội đồng quản trị do những xung đột với chính CEO của mình.


Kết

Quá trình đàm phán term sheet là một trong những quá trình phức tạp, đòi hỏi nhiều sự hiểu biết cũng như khả năng đưa ra quyết định chiến lược. Ngoài những yếu tố như Cap Table, các điều khoản ưu tiên thanh khoản và quyền biểu quyết, còn rất nhiều những điều khoản khác cần được thương lượng một cách thận trọng trong quá trình đàm phán term sheet. Đây được xem là một trong những giai đoạn khoa học nhất của việc đầu tư startup.


Xuyên suốt quá trình này, cả hai phía nhà đầu tư và startup cần vận dụng các kỹ năng và kinh nghiệm về đàm phán, giao tiếp, thuyết phục của mình để đi đến những điều khoản có lợi cho cả đôi bên. Một lời khuyên dành cho những người mới tìm hiểu hoặc chuẩn bị thực hiện đàm phán term sheet chính là phải giữ được sự chuyên nghiệp, minh bạch và tinh thần hợp tác win-win, để đi đến những thỏa thuận thành công.


bottom of page