Định giá startup - giống như một bộ môn ma thuật, luôn là chủ đề thú vị nhưng lại không kém phần gây tranh cãi trong giới các nhà đầu tư và cộng đồng khởi nghiệp. Việc đi đến được kết luận 1 con số để nói lên giá trị của 1 ý tưởng táo bạo đến từ startup đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức cũng như kinh nghiệm từ phía các nhà đầu tư, dù trong bất kì lĩnh vực nào. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, việc các vòng gọi vốn có thể đi đến những kết quả 100 triệu USD hay thậm chí 1 tỉ USD là điều không hiếm. Tuy nhiên, trong những diễn biến gần đây của ngành VC, sự kiện sụp đổ của FTX và ngân hàng Silicon Valley Bank đã làm không ít người hoang mang, đặc biệt khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trong việc đặt kì vọng về các doanh nghiệp ở các vòng huy động vốn.
(Top các doanh nghiệp được định giá cao nhất thế giới. Source: Statista)
Đối với những nhà khởi nghiệp, dù bạn đang xây dựng cho mình một kỳ lân như Momo, Tiki, hay vẫn còn đang băn khoăn về những điểm vô lý của sự kiện Vinfast niêm yết sàn NASDAQ vừa rồi, thấu hiểu về nghệ thuật và khoa học đằng sau việc định giá startup có thể giúp doanh nghiệp làm nắm rõ giá trị và tiềm năng của mình , tránh được việc gọi vốn vô lý dẫn đến nguy cơ thất bại trong quá trình huy động vốn. Bài viết dưới đây sẽ làm sáng tỏ những lầm tưởng về định giá startup và cung cấp nguồn thông tin đáng tin dành cho các nhà sáng lập đang từng bước tìm hiểu về chủ đề này.
Bạn sẽ học được gì qua bài viết này?
Nắm được khái niệm định giá startup
Phân loại các phương pháp định giá startup
Phân biệt khái niệm Pre-money Valuation và Post-money Valuation
5 phương pháp định giá startup phổ biến
Khái niệm định giá:
Định giá được hiểu là quá trình phân tích, xác định giá trị hiện tại (hoặc dự kiến) của một tài sản hoặc một công ty. Đây là một sự kết hợp giữa các đánh giá khách quan và chủ quan của các nhà đầu tư, với mục đích cuối cùng là biến “tiềm năng” của các startup thành một con số hữu hình.
Việc gán một giá trị cho một công ty còn giúp các nhà phân tích xem xét khả năng quản lý, thành phần cấu trúc vốn của doanh nghiệp, triển vọng thu nhập trong tương lai và giá trị thị trường của tài sản của doanh nghiệp đó, nhằm xác định được số tiền có thể đầu tư cho các vòng huy động vốn cũng như khả năng sinh lời đến từ vụ đầu tư.
Có nhiều kĩ thuật được sử dụng để thực hiện định giá. Trong thị trường chứng khoán nói riêng, phân tích cơ bản là một trong những kĩ thuật thông dụng nhất được sử dụng trong định giá, bên cạnh một số phương pháp khác như mô hình định giá tài sản vốn (CAPM) hoặc mô hình chiết khấu cổ tức (DDM).
Phân loại phương pháp định giá:
Về cơ bản có thể phân chia các phương pháp định giá phổ biến hiện tại thành 2 nhóm chính: định giá tuyệt đối và định giá tương đối.
Các mô hình định giá tuyệt đối nhắm tới việc tìm ra giá trị nội tại hoặc “thực” của khoản đầu tư dựa trên các nguyên tắc cơ bản, bao gồm những yếu tố như giá trị sổ sách, dòng tiền và tốc độ tăng trưởng cho một công ty, mà không quan tâm đến bất kì công ty nào khác.
Ngược lại, các mô hình định giá tương đối nhìn vào quá khứ của các thương vụ mua lại và hoạt động bằng cách so sánh công ty đang được định giá với các công ty tương tự khác. Các phương pháp của mô hình này bao gồm các phép nhân và tỉ lệ, ví dụ như tỉ lệ giá trên thu nhập và so sánh nó với tỉ lệ của các công ty tương tự.
Thông thường, mô hình định giá tương đối dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều so với mô hình định giá tuyệt đối, vì vậy nhiều nhà đầu tư và nhà phân tích bắt đầu phân tích với mô hình này.
Tuy nhiên các phương pháp định giá truyền thống trong các thị trường tài chính như bất động sản hay chứng khoán mặc dù có thể hiệu quả khi áp dụng với các công ty truyền thống nhưng đối với startup lại là câu chuyện khác. Đặc trưng của các startup là khả năng biến động cực kì cao và thị trường chưa xác định rõ nên đòi hỏi những phương pháp đặc trưng hơn để có thể định giá, giúp giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận cho cả bên huy động vốn cũng như các nhà đầu tư.
Pre-money valuation - Ẩn Số Trước Khi Có Doanh Thu
Đối với các startup ở giai đoạn sớm, doanh thu đối với họ là một ẩn số, khiến cho việc định giá các startup này mang thiên hướng nghệ thuật nhiều hơn là khoa học. Đối với định giá trước khi có vốn (pre-money valuation) các nhà đầu tư thường tiến hành nghiên cứu và tính toán dựa trên các tiềm năng của đội ngũ quản lí và thị trường để xác định giá trị của công ty. Công ty có thể từ chối con số đó và đợi đến khi có một giá trị cao hơn từ một bên khác. Sự chênh lệch giữa giá trị trước và sau khi có vốn (post-money valuation) quyết định số lượng cổ phần mà một nhà đầu tư sẽ sở hữu trong công ty.
Ví dụ, nếu giá trị pre-money của một startup là 1 triệu USD và nhà đầu tư góp vào 250 nghìn USD, giá trị sau khi có vốn sẽ là 1.25 triệu USD - và nhà đầu tư sẽ sở hữu 20% của công ty (250 nghìn / 1.25 triệu). Nhưng nếu 1 triệu USD là giá trị post-money, thì nhà đầu tư sẽ sở hữu 25% của doanh nghiệp.
Post-money valuation - Yếu tố quyết định tỉ lệ cổ phần
Khác với định giá trước khi có vốn, định giá sau khi có vốn (post-money valuation) là giá trị của công ty sau khi đã nhận được đầu tư. Định giá post-money là một yếu tố quan trọng khi đánh giá giá trị thực tế của một công ty vì nó có thể phản ánh được số tiền mà các nhà đầu tư sẵn sàng chi trả cho ý tưởng của startup. Đồng thời post-money valuation có thể thay đổi đáng kể cách cổ đông quản lý và chia sẻ cổ phần. Sau khi có vốn, mỗi đồng đầu tư mới gia tăng giá trị của công ty, và giá trị cổ phần của nhà đầu tư hiện tại giảm đi tương ứng với tỷ lệ cổ phần đã bán.
Ví dụ, nếu một công ty được định giá trước khi có vốn là 1 triệu USD và sau đó gọi vốn được thêm 500 nghìn USD, giá trị sau khi có vốn (post-money) là 1.5 triệu USD. Nếu một nhà đầu tư nắm giữ 25% cổ phần trước khi có vốn, giá trị cổ phần của họ sẽ giảm xuống 16.67% sau khi có vốn. Các nhà đầu tư thông thường sẽ sử dụng các công cụ như Cap Table để thuận tiện hơn trong quá trình theo dõi quá trình pha loãng cổ phần này.
5 phương pháp định giá startup phổ biến:
Trong một cuộc huy động vốn, các nhà đầu tư và những nhà sáng lập thường sẽ đứng về 2 thái cực khác nhau. Đối với bên nhà đầu tư, điều họ quan tâm ở những startup chính là rủi ro cũng như tỉ lệ giữa rủi ro và bội số đầu tư mong đợi trong thương vụ của họ. Còn đối với startup, điều họ quan tâm nhất chính là thể hiện được tiềm năng của ý tưởng mà mình đang theo đuổi cũng như khả năng đón nhận của thị trường và thuyết phục các nhà đầu tư định giá cao nhất có thể.
Trong thời điểm ngành VC đi qua giai đoạn điều chỉnh như hiện giờ, khi các startup trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành xu hướng, nhiều nhà đầu tư cho rằng khả năng của công nghệ lõi đằng sau các công ty này (dataset và machine learning model) có thể chưa đáp ứng đủ những gì mà các nhà sáng lập công bố, khiến cho nhiều trường hợp giá trị của các công ty bị thổi phồng đáng kể - Michael Ferik, Founder của Heroic Ventures phát biểu tại TechCrunch.
Các founder nên nắm rõ các phương pháp mà nhà đầu tư thường dùng để định giá một doanh nghiệp nhằm đảm bảo tối đa sự minh bạch trong quá trình gọi vốn, gia tăng khả năng thành công khi trình bày với các nhà đầu tư.
1. Phương pháp Giao dịch Tương đối (Market Multiple):
Phương pháp Giao dịch Tương đối dựa trên dữ liệu từ các cuộc huy động vốn trước đó và đánh giá giá trị của một startup bằng cách xem xét giá trị của các công ty tương tự đã gọi vốn thành công được bao nhiêu.
Có những thông số thường được dùng để so sánh giữa các startup tương tự nhau nếu cả 2 đều hoạt động cùng lĩnh vực, như MAU (Monthly Active User - Chỉ số người dùng tích cực), GMV (Gross Merchandise Value), hay MRR (Monthly Recurring Revenue - Doanh thu định kỳ hàng tháng),...
Ví dụ: Startup X và startup Y có mô hình kinh doanh là Saas và đều làm về phần mềm mạng xã hội. Trong đó, startup X được định giá 4 triệu USD (qua thông tin công bố từ vòng gọi vốn gần nhất) và có 50,000 MAUs. Startup Y đang có 100,000 MAUs, gấp đôi so với X, nên so sánh theo MAUs, ta có được định giá của Y là 8 triệu USD
Phương pháp này có tính đơn giản, dễ hiểu và thuyết phục cao vì nó dựa trên các giao dịch thực tế, tạo ra một chỉ số đo lường cụ thể cho startup đang xem xét. Tuy nhiên, điểm yếu của phương pháp này nằm việc ta thường chỉ thu thập được vài chỉ số của các công ty tương tự chứ không nắm được toàn bộ nội lực của công ty, và phụ thuộc vào độ chính xác của các thông tin này.
2. Phương pháp Định giá Scorecard và Berkus:
Phương pháp Định giá như Scorecard và Phương pháp Berkus là 2 phương pháp khá phổ biến và ngày càng được sử dụng rộng rãi trong ngành VC bởi tính trực quan và hệ thống của chúng.
(Phương pháp Scorecard)
Phương pháp Định giá Scorecard được thực hiện như sau:
Bắt đầu bằng việc xác định giá trị pre-money trung bình cho các doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực và khu vực.
Sau đó, startup gọi vốn được so sánh với những đối thủ của mình dựa trên các tiêu chí quan trọng. Mỗi tiêu chí này được gán cho một con số phần trăm, tượng trưng cho độ quan trọng của chúng trong việc đánh giá. Các tiêu chí bao gồm: Khả năng của đội ngũ phát triển, Tiềm năng của cơ hội, Chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ , Tính cạnh tranh của lĩnh vực , Chiến lược tiếp thị và Nhu cầu về vốn bổ sung
Các nhà đầu tư đánh giá từng tiêu chí này theo thang điểm sau đó nhân số điểm đã đánh giá với độ quan trọng của chúng
Giá trị trung bình cuối cùng được quy đổi thành 1 con số cụ thể (ở ví dụ bên dưới là 33.1%) nhà đầu tư có thể nhân số này với giá trị trung bình trước đó để nhận được số vốn đầu tư phù hợp.
Tương tự, phương pháp Berkus (bắt nguồn từ Dave Berkus) cũng gán giá trị số cho những biến số vô hình bao gồm khả năng thuyết trình của người sáng lập, chất lượng của sản phẩm thử, các mối quan hệ chiến lược của nhà sáng lập với các doanh nghiệp khác trong ngành, tiềm năng của đội ngũ lãnh đạo và sự quan tâm thị trường.
Để thực hiện được điều này, các nhà đầu tư thường sẽ trả lời những câu hỏi để đánh giá tiềm năng của startup như: CEO và đội ngũ quản lí có lý lịch chuyên môn phù hợp với ý tưởng mình đang theo đuổi hay không? Đội ngũ kỹ thuật và công nghệ họ sở hữu có thật sự mạnh hay không? Chiến thuật tiếp cận thị trường của startup có đủ chi tiết hay chưa?. Các câu hỏi này thuộc 1 phần của quá trình Due Diligence. Tham khảo thêm tại đây
Điểm khác biệt chính với phương pháp Scorecard, phương pháp Berkus không đánh giá dựa trên phần trăm hay tỉ lệ mà gắn trực tiếp giá trị về số tiền cho từng yếu tố trên, sau đó tổng hợp các giá trị để được con số định giá cho startup (Xem hình minh họa)
(Phương pháp Berkus)
3. Tam giác đạc trong đầu tư mạo hiểm:
Tam giác đạc trong đầu tư mạo hiểm (Venture capital) là một cách tiếp cận được ưa chuộng bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm. Để thực hiện, các nhà đầu tư cần xác định 3 yếu tố chính:
Mức giá tối đa có thể nhận được tại vòng gọi vốn hiện tại ( bằng cách dự phóng tiềm năng tối đa của doanh nghiệp khi đã đạt được mục tiêu kinh doanh và sẵn sàng exit)
Tính toán bội số đầu tư mong muốn (target ROI) và xác định giá trị sau khi nhận vốn (post-money valuation), từ đó tính toán được số tiền tối thiểu để đầu tư cũng như phần trăm cổ phần nắm giữ cho vòng gọi vốn hiện tại.
Thăm dò mức độ sẵn sàng cũng như kỳ vọng của các startup từ mức giá tối thiểu
Bội số đầu tư mong muốn của các VC sẽ dao động tùy thuộc vào các yếu tố như ngành nghề của startup, vòng gọi vốn và mức độ cạnh tranh của các nhà đầu tư khác. Theo thông lệ, con số này sẽ dao động từ 10 - 20 lần giá trị đầu tư.
Phương pháp này phù hợp với tư duy của các nhà đầu tư rủi ro, những người tìm kiếm cơ hội exit khỏi khoản đầu tư lợi nhuận cao trong một khoảng thời gian cụ thể. Tìm hiểu thêm về phương pháp này tại đây
4. Phương pháp Dòng tiền Chiết khấu (DCF):.
Các nhà đầu tư có thể quen thuộc với phương pháp dòng tiền chiết khấu (DCF) để xác định giá trị nội tại của một công ty. Trong khi định giá tương đối kết hợp nhiều biến số, mô hình DCF tận dụng dự báo dòng tiền tự do cụ thể trong tương lai của một công ty và chiết khấu chúng về hiện tại bằng cách sử dụng một tỷ lệ chiết khấu tương ứng với lợi nhuận mong muốn hàng năm. Tỷ lệ chiết khấu này phản ánh rủi ro được xem xét đối với các nhà đầu tư. Nếu giá trị DCF cao hơn chi phí đầu tư, phương án đầu tư được đánh giá là một cơ hội tốt.
Tuy nhiên với đặc điểm hướng tới tương lai, ước lượng giá trị của một startup dựa trên dự đoán về dòng tiền tương lai của nó, phương pháp này đặc biệt hữu ích đối với các startup đã có doanh thu và hiểu rõ về dự đoán tài chính của mình và tiềm năng tăng trưởng. Còn các startup ở giai đoạn ý tưởng hoặc dòng tiền đang âm thì phương pháp này gần như không hiệu quả.
5. Phương pháp Giá trị Sổ sách (Book Value):
Theo truyền thống, giá trị sổ sách của một startup được tính là sự khác biệt giữa tổng tài sản (asset) và các khoản nợ (liabilities) của nó. Phương pháp giá trị sổ sách này đơn giản hóa việc định giá bằng cách so sánh giá trị ròng của startup với tài sản vật chất của nó, mang lại một đánh giá rõ ràng về giá trị cốt lõi của một startup dựa trên tài sản vật chất của nó.
Giá trị sổ sách chính là giá trị của phần vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán của start-up. Trong trường hợp có sự khác biệt đáng kể giữa giá trị sổ sách của một số tài sản và thị giá của tài sản đó, chẳng hạn như giá trị quyền sử dụng đất, chúng ta có thể thay giá trị sổ sách bằng thị giá của các tài sản. Sau đó, tính lại giá trị tổng tài sản và trừ đi giá trị các khoản nợ và phải trả khác để tính ra giá trị sổ sách của startup. Mặc dù có thể bỏ qua các tài sản vô hình như giá trị thương hiệu hoặc uy tín, phương pháp Giá trị Sổ sách
Phương pháp này thường không thích hợp lắm với các startup vì phần giá trị lớn nhất của startup nằm ở các tài sản vô hình và nhiều trường hợp không được phản ánh đầy đủ trong sổ sách kế toán. Tuy nhiên đây lại là phương pháp có mức tuyệt đối và cụ thể cao, thích hợp với các startup đã có thời gian hoạt động trung bình và doanh thu chi tiết.
Tổng kết
Tóm lại, điều mà các startup nên hiểu rõ chính là các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư mạo hiểm không sử dụng các phương pháp truyền thống để định giá doanh nghiệp của họ. Để có cơ hội tạo ảnh hưởng lên quá trình định giá của startup của nhà đầu tư mạo hiểm, CEO và CFO cần thấu hiểu cách tiếp cận đặc thù của ngành này và cần thiết lập rõ các mục tiêu, cũng như nắm rõ nguồn lực cũng như tiềm năng của mình trước khi bước vào cuộc đàm phán để tăng tỉ lệ thành công của cuộc huy động vốn. Việc nắm rõ các phương pháp định giá sẽ giúp các startup có góc nhìn bao quát hơn về thị trường mà mình đang tham gia cũng như nguồn lực nội tại mang tới những cuộc thương thảo win-win dành cho cả đôi bên.
Các thông tin trong bài viết được tham khảo từ quyển sách "Chiến lược huy động vốn mạo hiểm" - Dermot Berkery (dịch giả Tiến Nguyễn). Tìm hiểu thêm: